Làm sao kinh doanh Trung tâm Logistics hiệu quả hơn (iii)
Đánh giá, phân loại cấp bậc, năng lực của người lao động trong kho
Nhật Bản có câu “Công thưởng bằng lộc, Đức thưởng bằng chức”. Ngay tại hiện trường, đánh giá người lao động theo tiêu chí khả năng lĩnh hội công việc, độ chính xác, tốc độ và loại công việc để phân cấp người lao động. Phân chia theo thứ tự người mới, người thạo việc và người giỏi. Tùy theo cấp độ mà có thể phân biệt bằng cách làm màu khác cho thẻ nhân viên, đồng phục, mũ và lương thưởng tương xứng.
Thường xuyên phải ăn mặc đàng hoàng sạch sẽ
Nếu có người lao động nào không đội mũ hoặc mũ an toàn, ăn mặc luộm thuộm không cài cúc áo, không đi giầy, chứng tỏ người đó không có nhận thức về an toàn lao động, không tôn trọng quy định của doanh nghiệp. Nếu khách hàng nhìn thấy tình trạng như vậy, họ sẽ cảm thấy khó chịu. Chúng ta cần tạo ra môi trường làm việc nơi mà tất cả mọi người phải ăn mặc chỉn chu, sạch sẽ và nhắc nhở nếu phát hiện thấy ai đó ăn mặc chưa phù hợp.
Mặc đồng phục đúng quy định
Mọi người phải mặc đồng phục theo đúng quy định của công ty. Mũ bảo hộ phải đội đúng hướng, cài dây quai chắc chắn, cài hết cúc áo và không được xắn tay áo khi mặc đồng phục tay dài.
Ngoài ra, hiện trường nào bắt buộc đi giầy bảo hộ phải tuân theo, đồng phục, giầy bảo hộ phải giặt sạch, sửa chữa, thay thế định kỳ tránh bị bẩn, bị sờn.
Ăn mặc là người chuyên nghiệp Logistics
Không để tóc hoặc râu ria quá dài, không nhuộm tóc với màu sắc khiến người khác cảm thấy khó chịu. Người chuyên nghiệp về Logistics phải là người hiểu biết về thường thức xã hội, biết ăn mặc sạch sẽ.
Quy chế kiểm tra ăn mặc trong doanh nghiệp
Khi phát hiện có người không tuân thủ quy định công ty, ăn mặc luộm thuộm, phải có người của bộ phận phụ trách chú ý tới đối tượng đó và tiến hành kiểm tra trong buổi sinh hoạt đầu giờ làm việc. Đối với người luôn ăn mặc đàng hoàng theo đúng quy định, doanh nghiệp và đồng nghiệp nên có sự khen ngợi.
Quan tâm về tình trạng sức khỏe của người lao động và cố gắng duy trì môi trường lao động thuận lợi lành mạnh.
Người lao động có sự dồi dào cả thể chất lẫn tinh thần là yếu tố không thể nào thiếu trong việc xây dựng trung tâm Logistics tốt đẹp hơn. Nếu có vấn đề sức khỏe mà tiếp tục làm việc có khả năng phát sinh rủi ro xảy ra sự cố và gặp phải tai nạn lao động. Khi tình trạng sức khỏe không tốt, năng suất lao động sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, chúng ta phải tạo điều kiện giúp người lao động duy trì quản lý sức khỏe, đồng thời mọi người cũng phải tự quản lý sức khỏe của chính mình.
Ngăn chặn làm việc quá sức
Tỷ lệ người lao động cao tuổi ngày càng tăng cao trong ngành Logistics tại Nhật Bản. Làm việc ngoài giờ liên tục hoặc thường xuyên làm việc nặng nhọc gây ra rủi ro cao cho người lao động dẫn tới sức khỏe giảm sút. Để ngăn chặn tình trạng làm việc quá sức, chúng ta phải bố trí chế độ hợp lý để người lao động được hưởng ngày nghỉ cần thiết.
Tự giác giữ gìn sức khỏe
Tất cả các công nhân viên làm việc tại trung tâm Logistics phải nâng cao tự giác về giữ gìn sức khỏe. Đặc biệt phải theo dõi chế độ quản lý sức khỏe của công nhân làm việc tại các hiện trường. Nhắc nhở đừng ngủ muộn, uống rượu quá mức, phải ăn uống điều độ hàng ngày tránh ăn quá nhiều. Trường hợp bị đau người, mệt, choáng váng, phải báo cáo ngay cho người quản lý, nếu có thể xin được nghỉ thì phải nghỉ. Trong ngày nghỉ, phải nghỉ ngơi để hồi phục cả thể chất và tinh thần. Vào mùa đông hoặc mùa hanh khô, cần đề phòng dịch cúm và hướng dẫn mọi người rửa tay, súc miệng, đeo khẩu trang.
Chăm sóc tâm lý
Nếu tâm lý của người lao động trong tình trạng không ổn định, khả năng xảy ra sự cố, tai nạn lao động sẽ cao. Những lo lắng về gia đình, phiền não về cuộc sống sẽ ảnh hưởng tới công việc. Khi có gì bất ổn tinh thần, cần có tự giác làm việc cẩn thận hơn. Mọi người trong cùng nơi làm việc nên thường xuyên chào hỏi, quan tâm lẫn nhau.
Mục tiêu và phương châm của công ty
Mọi người cùng làm việc trong công ty phải thực hiện công việc theo phương hướng và ý tưởng chung của công ty. Ngoài mục tiêu chung, có thể đề ra các phương châm theo tháng, theo tuần và theo ngày như “Tháng trọng điểm đẩy mạnh an toàn”, “Tuần lễ thực hiện nâng cao hiệu suất công việc”, “Ngày bảo vệ môi trường sinh thái” nhằm nhắc nhở các vấn đề trước mắt.
Thái độ cần thiết cho việc hoàn thành mục tiêu
Để đạt được mục tiêu, phải có tự giác trách nhiệm và nỗ lực không ngừng nghỉ. Cần có nhiều thời gian thăm dò mục tiêu và quan điểm cải tiến xuyên suốt tất cả các hiện trường. Dù các mục tiêu không được thực hiện dễ dàng hay thành quả của cải tiến vẫn chưa đạt được, chúng ta phải kiên trì tiếp tục nỗ lực thực hiện.
Biểu dương
Biểu dương bằng bằng khen và tiền thưởng đối với nhóm hoặc cá nhân đạt được mục tiêu để nâng cao ham muốn nỗ lực hơn nữa. Ngược lại, cá nhân hoặc nhóm nào không tuân thủ quy định, nguyên tắc sẽ có những hình thức kỉ luật phù hợp.
Yêu nghề Logistics
Có thể nói ngành Logistics được ví như là động mạch chủ của ngành công nghiệp, kết nối giữa hiện trường sản xuất và người tiêu thụ. Nếu không có chức năng Logistics, sản xuất cũng như tiêu thụ không thể phát huy đúng chức năng của nó. Chúng ta cùng nhau nỗ lực tạo nên một môi trường làm việc, nơi mà chúng ta cảm nhận được niềm vui to lớn, có động lực và cảm hứng làm việc hăng say, sôi nổi đi liền với nhận thức về vai trò quan trọng cả về mặt xã hội và trong ngành công nghiệp.
“Yêu nghề Logistics” là điều rất quan trong đối với người thực hiện các công việc Logistics. Càng hiểu sâu về Logistics càng thấm nhuần chức vụ, càng quan tâm nhiều hơn về Logistics. Một khi đã yêu tha thiết với nghề, con người sẽ cảm thấy công việc rất đáng làm, yêu đời hơn, theo đó hiệu suất công việc sẽ được nâng lên và những thành quả to lớn được mong đợi sẽ dần xuất hiện.